Kiến trúc xanh được nói đến cùng với khái niệm phát triển bền vững mà Liên hiệp quốc đề xướng. Kiến trúc xanh thường gắn liền với công trình xanh chủ yếu như tiết kiệm nước, năng lượng và bảo vệ sức khỏe con người, song có phạm trù rộng hơn liên quan tới giảm phát thải ô nhiễm và sự suy giảm môi trường, gần thiên nhiên, thân thiện với môi trường…
Biệt thự thân thiện với thiên nhiên
Để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tiết kiệm sử dụng các tài nguyên nước và vật liệu, giảm thiểu tác động môi trường và đảm bảo điều kiện sống cho mọi người, trên thế giới đã xuất hiện xu hướng phát triển Công trình xanh.
Phát triển công trình xanh được khởi đầu từ Anh Quốc (năm 1990), Hoa Kỳ (1993), ở Canada (năm 1998). Năm 2000, Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WORLDGBC) được thành lập.
Đến nay phát triển Công trình Xanh đã lan rộng đến nhiều nước trên thế giới và ngày nay kiến trúc xanh cũng trở thành xu hướng phát triển của thế giới thế kỷ XXI.
Không phải ngẫu nhiên Kiến trúc Xanh trở nên thịnh hành trên thế giới. Trong nhịp sống năng động, sau những giờ làm việc căng thẳng người ta cần nơi nghỉ ngơi, yên tĩnh nhưng cũng không quá đơn điệu. Sống gần thiên nhiên không bị lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhân tạo sẽ giúp chủ nhân sống khoẻ, tâm hồn thư thái để tái tạo sức lao động.
Công trình xanh và đô thị xanh chính là cơ sở tăng trưởng kinh tế xanh để đảm bảo phát triển bền vững, nhằm giảm tốc độ suy thoái môi trường và BĐKH.
Khái niệm kiến trúc xanh hay còn gọi là kiến trúc bền vững đề cập đến công tác kiến tạo các công trình kiến trúc và sử dụng các phương pháp mang tính thân thiện với môi trường và tính hiệu quả trong việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên trong suốt đời sống của công trình, từ thiết kế xây dựng điều hành, bảo trì, cải tạo cho đến tháo dỡ.
Khái niệm này được mở rộng và bổ sung thêm vào những mục tiêu của công tác thiết kế, xây dựng truyền thống là kinh tế, tiện dụng, kiên cố và tiện nghi.
Mặc dù con người không ngừng phát triển những kỹ thuật mới để tăng cường cho công tác kiến tạo các công trình xanh, mục tiêu của kiến trúc xanh là xoay quanh vần đề giảm các xung đột chính giữa môi trường xây dựng nhân tạo với sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên bằng cách:
– Sử dụng một cách có hiệu quả năng lượng nước và tài nguyên thiên nhiên
– Bảo vệ sức khỏe người sử dụng công trình và tăng sức sản xuất của nhân lực
– Giảm phát thải ô nhiễm và sự suy giảm chất lượng của môi trường
Ở Mỹ, hàng năm Viện Nghiên cứu Kiến trúc Hoa Kỳ (American Institute of Architects) và một số tổ chức nghề nghiệp có uy tín đều có giải thưởng cho các “Công trình xanh” (Green building) với các tiêu chí như: sử dụng năng lượng hiêu quả, tận dụng ánh sáng tự nhiên và tiết kiệm nước, công trình có tác động tích cực tới cảnh quan xung quanh, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng, giảm tới mức tối đa chất thải, ô nhiễm và không làm suy thoái môi trường sống… Một số công trình xây dựng ở nước ta cũng đã được Hội đồng Công trình Xanh Hoa kỳ (USGBC) công nhận là công trình xanh theo tiêu chí Định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường (Ledership in Energy and Environmental Design – LEED).
Thực trạng kiến trúc nước ta
Kiến trúc là khoa học và nghệ thuật tổ chức không gian sống. Nhà cao tầng hiện nay ở nước ta đa phần bị bọc kính rồi lắp điều hòa, không gian bị bịt kín, đây là loại công trình kín cách biệt hẳn với môi trường tự nhiên bên ngoài, sử dụng năng lượng tối đa để làm lạnh và chiếu sáng.
Nhiều công trình xây dựng bằng bê tông, thép và nhôm kính rất đơn điệu, vô hồn không có bản sắc của địa phương, thường được gọi là “kiến trúc quốc tế” (có thể đem đặt ở nước nào cũng được). Nhìn chung thì nhiều công trình kiến trúc còn chưa phù hợp, chưa quan tâm đến môi trường.
Tuy nhiên cần khách quan nhận thấy là hiện nay có những công trình kiến trúc hiện đại, phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở nước ta, kiểu công trình mở như Garden Plaza 1 ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng TP HCM, nhà Xanh (Stracking Green House) ở Quận 2, TPHCM và hàng chục công trình khác đã được giải thưởng của Bộ Xây dựng, Hội KTS Việt Nam và Hội đồng Công trình xanh…
Hướng đến xu hướng kiến trúc xanh ở nước ta
Ở nước ta, trước đây tất cả các công trình từ nhà ở dân gian đến các công trình cổ như đình, chùa đều là công trình mở, sử dụng thông gió và ánh sáng tự nhiên, đó là các công trình kiến trúc xanh hoàn hảo, thân thiện với môi trường, được làm bằng vật liệu tự nhiên. Do vậy cần khai thác tinh hoa văn hoá truyền thống từ nhà ở dân gian và các công trình cổ vận dụng vào thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại để có bản sắc Việt Nam.
Bản sắc kiến trúc chính là sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc đương đại với thiên nhiên với con người bản địa trên cơ sở tiếp thu tinh hoa của thời đại và truyền thống dân tộc.
Kiến trúc xanh thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới ở nước ta sẽ tạo ra bản sắc kiến trúc Việt Nam
Có thể nói, kiến trúc xanh được tạo nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa năng lượng hóa thạch, nước sạch.
Kiến trúc xanh, hướng tới giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người, kiến trúc và thiên nhiên, tổng hòa các yếu tố kinh tế, kỹ thuật, môi trường, văn hóa, xã hội và sáng tạo ra một không gian sống vừa dễ chịu cho con người vừa bảo vệ môi trường thiên nhiên
Cần nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm để giải quyết vấn đề thông gió tự nhiên và chiếu sáng tự nhiên cho công trình giảm thiểu việc sử dụng năng lượng nhân tạo (chỉ đóng kín lại để sử dụng điện năng khi cần thiết), thân thiện với môi trường và có bản sắc riêng.
Tại vùng khí hậu nóng ẩm như nước ta, thông gió tự nhiên còn có thể hạn chế ảnh hưởng do độ ẩm tương đối gây ra.
Gió tự nhiên là một nguồn năng lượng môi trường quan trọng và có hiệu quả về hạ thấp nhiệt độ. Thông gió tự nhiên nâng cao mức độ dễ chịu của ngôi nhà và có lợi cho sức khỏe do số lần trao đổi không khí.Thông gió tự nhiên giảm thiểu được yêu cầu thông gió cơ giới và điều hòa không khí, tiết kiệm nguồn năng lượng quan trọng không tái sinh được. Nhờ vậy mà giải quyết được 2 yêu cầu cơ bản là thải được không khí bẩn và ẩm ướt trong ngôi nhà và tăng cường cảm giác tiện nghi dễ chịu.
Ngoài ra còn cần kết hợp với thiết kế cây xanh chiều thẳng đứng ở trên mặt đứng nhà cao tầng và trên mái, vì nó cũng có tác dụng điều tiết khí hậu giảm nhiệt độ rất lớn và tăng vẻ thẩm mỹ sinh thái thời thượng và thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiệt độ nóng dần lên.
Ở phương Tây ngày nay người ta còn sử dụng nông nghiệp chiều thẳng đứng (vertical farming) thay cho cây xanh ở mặt đứng và trên mái, để vừa làm xanh công trình vừa mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường.
Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council-VGBC) đã ngiên cứu hệ thống LOTUS, đây là hệ thống đánh giá công trình xanh bao gồm 10 nhóm chỉ tiêu:
1. Giảm thiểu tiêu thụ năng lượng nhân tạo, tận dụng năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo.
2. Tiết kiệm sử dụng nước, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải.
3. Tiết kiệm sử dụng vật liệu xây dựng, sử dụng vật liệu tái chế, vật liệu dễ chế tạo, vật liệu được tạo thành ít tiêu thụ năng lượng.
4. Bảo vệ sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng công trình đến hệ sinh thái xung quanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển thảm thực vật, trồng cây xanh trên mái và các tầng nhà.
5. Giảm thiểu chất thải ô nhiễm môi trường, giảm thiểu xả thải nước thải, chất thải rắn, khí thải, khuyến khích tái chế, sử dụng chất thải trong suốt quá trình xây dựng và giai đoạn vận hành.
6. Đảm bảo tiện nghi, sức khỏe, chất lượng khí thải trong nhà, tiện nghi nhiệt, vi khí hậu, tiện nghi ánh sáng, tiện nghi độ rung.
7. Thích ứng giảm nhẹ thiên tai, phòng chống úng ngập, đảm bảo công trình bền vững dưới tác động của bão tố, công trình không gây ra hiệu ứng đảo nhiệt, khuyến khích người sử dụng công trình đi lại bằng xe đạp và sử dụng giao thông công cộng, sử dụng vật liệu địa phương để giảm nhu cầu giao thông vận tải.
8. Kết nối cộng đồng, tham vấn cộng đồng khi đầu tư xây dựng, kết nối với các tiện ích, cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có, có không gian phục vụ công cộng tiện nghi cho người.
9. Quản lý trong giai đoạn thiết kế, giai đoạn thi công công trình đều là tối ưu hóa các hoạt động quản lý môi trường.
10. Khuyến khích các sáng kiến mang lại lợi ích cho môi trường nằm ngoài các yêu cầu.
Từ năm 2007 cho đến nay, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đã xét chọn và công nhận 2 công trình xanh theo tiêu chí LOTUS.
Để “sử dụng năng lượng tiết kiệm”, tòa nhà văn phòng Homebase Uniliver -Vietnam là nơi làm việc của 600 nhân viên công ty, đã đạt giải nhất về sử dụng năng lượng hiệu quả nhất, giải thưởng do Bộ Công Thương trao tặng năm 2009. Nhờ tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên và quản lý tốt hệ thống này, nên tiết kiệm được 35% điện năng cho hệ thống chiếu sáng, nó cũng tiết kiệm được khoảng 3% điện năng tiêu thụ cho hệ thống điều hòa không khí… nên đã được giải thưởng “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” của các nước ASEAN năm 2010.
Năm 2012, Hội KTS Việt Nam đã trao giải thưởng Kiến trúc Xanh cho 11 công trình.
Năm 2013, Bộ Xây dựng đã trao giải thưởng kiến trúc hiệu quả cho 10 công trình.
Tuy kiến trúc xanh và kiến trúc sinh thái có khác nhau một chút về hiệu quả sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, nhưng về bản chất có những điểm giống nhau là một lối kiến trúc hòa nhập với thiên nhiên.
Theo KTS sinh thái Ken Yeang thì kiến trúc sinh thái ở xứ nóng có hiệu quả về tận dụng năng lượng tự nhiên như gió, ánh sáng mặt trời… ở tại địa phương nên dễ tạo được đặc tính dân tộc và hình thành kiến trúc địa phương.
Garden Plaza 1, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng – TP.HCM đã khởi động trào lưu kiến trúc sinh thái. Garden Plaza 1 tạo nên một không gian sống dường như không có giới hạn giữa nội và ngoại thất. Ở đó hội tụ đủ những yếu tố của thiên nhiên: cây xanh, bầu trời và mặt nước. Sống ở Garden Plaza 1, chủ nhân sẽ tận hưởng năng lượng tự nhiên dồi dào như nắng gió.
Để khuyến khích xu hướng kiến trúc xanh ở nước ta rất cần có một hệ thống chính sách phù hợp vì chi phí của công trình kiến trúc xanh còn khá cao (tăng 30% so với các loại công trình kiến trúc tương tự hiện nay). Tuy nhiên về mặt môi trường sẽ sử dụng ít hơn 28% năng lượng, 13% chi phí bảo trì, giảm 33% khí phát thải nhà kính, về kinh tế giảm chi phí vận hành điện, nước, rác thải và khả năng thu hồi vốn nhanh hơn, về xã hội giảm các bệnh có liên quan đến đường hô hấp, dị ứng và hen suyễn. Hòa nhịp với sự phát triển kiến trúc thế giới – hướng tới kiến trúc xanh chính là định hướng tất yếu của kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ XXI.